Giới thiệu

Trường tiểu học Vĩnh Phong 4, tên trước đây là trường tiểu học A Vĩnh Phong được thành lập từ tháng 9 năm 1996, sau đó tách ra và lấy tên là trường tiểu học D Vĩnh Phong. Năm 2011 đổi tên là trường tiểu học Vĩnh Phong 4 theo Quyết định số 2064/QĐ-UBND  ngày 27 tháng 7 năm 2011 của chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận. Trường tọa lạc tại ấp Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Nhà trường có 4 điểm, khuôn viên của 4 điểm với tổng diện tích là 8.207 m2, bình quân 21,5 m2/học sinh, đảm bảo đủ diện tích phục vụ cho dạy và học. Trong những năm qua, trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 đã từng bước ổn định và nâng cao chất lượng việc dạy và học so với các trường trong địa bàn toàn xã Vĩnh Phong. Hàng năm, trường đều có giáo viên tham gia giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh: có 13 cán bộ, giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 1 giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh. Năm học 2014-2015, trường tiểu học Vĩnh Phong 4 có 38 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 2 cán bộ quản lý, 31 giáo viên và 5 nhân viên. Đội ngũ cán bộ có năng lực quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, mến trẻ. Nhà trường hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng. chi bộ trường tiểu học Vĩnh Phong 4 có 22 đảng viên chiếm 57,89% số cán bộ giáo viên trong nhà trường. Nhiều năm qua, chi bộ đã lãnh chỉ đạo nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trường có 4 điểm với 29 phòng, trong đó 11 phòng được xây dựng kiên cố và 18 phòng cấp 4; phòng học là 20, phòng hành chính và phòng phục vụ học tập là 9; số phòng đủ đáp ứng yêu cầu cơ bản cho việc dạy và học; thư viện trường đã đạt chuẩn quốc gia vào tháng 8 năm 2009, theo Quyết định 01/2003/BGD-ĐT, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2015 trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp tổng kinh phí là 3.890.100.220 đồng; trong đó chi lương, cho cán bộ giáo viên nhân viên là 1.855.448.839 đồng; chi phụ cấp 944.239.941 đồng, chi đóng góp bảo hiểm xã hội là 513.389 đồng, chi mua sắm là 361.880.000 đồng, chi khác là 215.141.657 đồng. Kinh phí năm 2015 và các năm đảm bảo đủ chi cho các hoạt động của nhà trường. Để ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã tích cực trong công tác đổi mới quản lý giáo dục, bắt đầu bằng việc tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ. Tính đến thời điểm năm học 2014-2015, trường tiểu học Vĩnh Phong 4 có 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó 29/37 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn tỉ lệ 78,37% (không tính 1 bảo vệ) . Đó là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn động viên khuyến khích để đội ngũ cán ộ, giáo viên tích cực tự bồi dưỡng; tổ chức các chuyên đề về phương pháp dạy các môn học, các vấn đề có liên quan đến công tác giáo dục học sinh, quan tâm đặc biệt đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Nhà trường đã được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền cũng như lãnh đạo Phòng giáo dục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục đảm bảo các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; nhà trường kết hợp với các tổ chức xã hội, với phụ huynh học sinh làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Nhà trường đã thực hiện tốt chương trình và kế hoạch dạy học; chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến tốt, có chiều sâu, số lượng học sinh khá, giỏi ngày một tăng lên hàng năm. Mỗi năm nhà trường đề ra mục tiêu phát triển, phương pháp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên được đào tạo bồi dưỡng hàng năm, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Để thực hiện được mục tiêu đó ngoài sự nỗ lực phấn đấu của nhà trường cũng cần phải có sự ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền cũng như các ban ngành đoàn thể và nhân dân địa phương để trường tiếp tục được đầu tư nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất trường học. Đồng thời để biết được vị trí của trường đang đứng ở mức độ nào thì nhà trường cần phải có một cái đích để đo đạc và so sánh; đó chính là tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường Tiểu học. Thực hiện theo Thông tư 42/2012/TT- BGD&ĐT ngày 23/11/2012 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và hướng dẫn số 8987/BGD&ĐT- KTKĐCLGD ngày 28/12/2012 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Trường tiểu học Vĩnh Phong 4 đã tổ chức, triển khai tới toàn bộ giáo viên trong trường nghiên cứu, tìm hiểu các công văn hướng dẫn tự đánh giá trường tiểu học về cơ sở vật chất, tài chính, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, cảnh quan sư phạm, thực trạng các hoạt động tổ chức quản lý và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho giáo dục.

Mục đích của tự đánh giá là nhà trường tự xem xét, tự kiểm tra, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục và các biện pháp thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của nhà trường, thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của cơ sở giáo dục; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá và công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trường được Uỷ ban Nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 11/2012, đó là bằng chứng cho sự lao động miệt mài của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục của nhà trường, của địa phương, là nền tảng vững chắc để nhà trường tiến tới đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của đơn vị.