Tăng sức đề kháng cho đảng viên, thanh niên

Lượt xem:

Đọc bài viết

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, giải pháp lâu dài để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phải có các giải pháp để tăng sức đề kháng của mỗi người dân Việt Nam, để khi tiếp cận các thông tin, họ biết thông tin nào sai, thông tin nào đúng…

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa rồi đã khẳng định những mặt tốt, mặt tích cực của đảng viên. Theo đó, đa số cán bộ, đảng viên là tốt. Nếu không có đa số đảng viên tốt thì làm sao có Đảng tốt, mà Đảng không tốt thì làm sao lãnh đạo được công cuộc đổi mới, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là nhận định rất chính xác. Một số người cứ thấy những suy thoái trong cán bộ, đảng viên, một số cán bộ cao cấp bị xử lý, kể cả hình sự thì cho rằng Đảng yếu kém, thế này thế kia. Đó là suy nghĩ không đúng. Nhưng, một cái xấu, dù nhỏ thì nó cũng tác hại không nhỏ. Cha, ông ta đã nói: “con sâu làm rầu nồi canh”. Một con sâu đã thế, huống chi là nhiều con sâu thì tác hại đúng là không nhỏ. Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận đảng viên và chỉ ra nguyên nhân.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng về phía tổ chức là do công tác giáo dục chính trị tư tưởng của chúng ta làm chưa tốt, công tác quản lý đảng viên chưa tốt. Về phía khách quan, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội có những lúc chúng ta gặp khó khăn, có một số cái sai, khuyết điểm mà Đại hội XI cũng đã thẳng thắn chỉ rõ là trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm phải sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm đó, một số người công kích, tấn công.

Cơ chế thị trường hiện nay tạo ra sự năng động, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng tác động đến cán bộ, đảng viên. Và nguyên nhân chính là thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thưa ông, giai đoạn hiện nay xuất hiện một số yếu tố mới như mạng xã hội xuyên biên giới, người dân tiếp cận thông tin trên mạng xã hội hàng ngày hàng giờ. Làm thế nào để bảo vệ nền tảng tư tưởng trong giai đoạn hiện nay khi có nhiều yếu tố mới…?

Bảo vệ nền tảng tư tưởng là việc không dễ dàng. Khi mở cửa, hội nhập quốc tế, bên cạnh những luồng không khí trong lành thì ruồi muỗi cũng bay vào theo.

Chúng ta đã lường trước vấn đề này chứ không phải bị động. Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội phát triển rất mạnh mẽ. Trước đây mạng xã hội còn hạn chế, chúng ta có giải pháp ngăn các tin xấu độc bằng cách dựng tường lửa – tức là không thể truy cập được – nhưng bây giờ với công nghệ hiện đại thì tường lửa đó không còn ý nghĩa. Chúng ta gặp khó vì máy chủ đặt ở nước ngoài, không thể xử lý được.

Vấn đề mạng là vấn đề rất lớn, Quốc hội cũng đã thông qua Luật an ninh mạng. Xã hội chúng ta ngày càng dân chủ, cởi mở thông tin, các mạng xã hội chúng ta cho phát triển. Theo con số được biết, tỷ lệ những người Việt Nam sử dụng mạng xã hội rất cao so với thế giới. Khi Quốc hội họp, thảo luận về Luật An ninh mạng để đảm bảo an ninh thông tin cho người dân Việt Nam cũng bị thế lực thù địch lợi dụng, kích động. Quốc hội thảo luận xem xét Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ngay cả khi chúng ta dừng thảo luận và ban hành về luật này, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục xuyên tạc, kích động, gây ra các cuộc biểu tình, bạo loạn…

Ban Chỉ đạo 35 ra đời được gần 4 năm, hoạt động rất hiệu quả, đã kịp thời chỉ đạo các cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng. Ví dụ, trước và sau Đại hội XIII, các thế lực thù địch tung ra đủ kiểu các luận điệu sai trái, Ban Chỉ đạo Trung ương đã giao cho các cơ quan chức năng chủ trì, thực hiện đề án về những luận cứ để đấu tranh, phê phán các luận điệu sai trái đó. Ta cũng đưa lên mạng, thông tin về hội thảo, toạ đàm, tuyên truyền, rồi in sách… bằng tất cả các giải pháp.

Giải pháp cơ bản và lâu dài là phải tăng sức đề kháng của mỗi người dân Việt Nam khi đọc các thông tin đó biết cái nào là sai, cái nào là đúng. Chúng ta đang làm việc này bằng cách coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi người nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn. Ví dụ thế lực thù địch tấn công vào chủ nghĩa Mác – Lênin thì phải giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và cả nhân dân thấy chủ nghĩa Mác – Lênin là khoa học, là cách mạng, là giá trị của trí tuệ loài người. Hay những sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo thì phải lý giải rõ ràng hơn, nhận và sửa.

Sinh thời Bác Hồ đã nói, một Đảng mà dám dũng cảm nhìn vào sai lầm, khuyết điểm để tìm cách sửa chữa thì đấy là một Đảng mạnh, Đảng cách mạng. Đảng ta, như tôi đã nói, nhất là Đại hội XI đã khẳng định, trong quá trình lãnh đạo có những sai lầm khuyết điểm, thậm chí có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng. Đảng thừa nhận trước Đảng, trước dân và đã sửa chữa, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Tôi cho rằng phải tăng cường công tác giáo dục về chính trị tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên và cho cả nhân dân để mỗi người có sức đề kháng, miễn nhiễm với các thông tin xấu độc. Đó là giải pháp tốt nhất, phải kiên trì làm từ năm này sang năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng giải pháp không kém phần quan trọng khác là phải xử lý những người suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo phương châm “xử lý một người để làm gương cho muôn người”, “Cắt một cành sâu để cứu cả cây”. Những phần tử chống đối Đảng chúng ta phải xử lý. Ai chống đối nền tảng tư tưởng của Đảng phải bị xử lý.

Việc “tăng đề kháng” cho người trẻ cần thực hiện như thế nào, trong khi những thông tin về nền tảng tư tưởng thường khô khan. Làm thế nào để người trẻ đam mê tìm hiểu về vấn đề này, thưa ông?

Thực tế giáo dục tư tưởng phải đa dạng hóa về nội dung và hình thức, phương pháp, tránh xơ cứng. Giáo dục về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ về lý thuyết, mà phải có cách truyền đạt, như kể các câu chuyện hấp dẫn về Lê nin, về Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấm nhuần từ thời bé thơ. Như ở bậc tiểu học, có môn Giáo dục công dân, thì không phải đưa bài chủ nghĩa Mác – Lênin là gì, mà nên đưa những câu chuyện, những thành công, thành tựu của chủ nghĩa Mác – Lênin; những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh để trẻ em thấy được sự vĩ đại của C.Mác, Ph.Ănghen, Lênin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rồi môn học Lịch sử, phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “dân ta phải biết sử ta”. Chúng ta dạy cả lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, về Cách mạng Tháng 10 – đó là Mác – Lênin – về thành tựu của Liên Xô. Rồi cha, ông ta đánh ngoại xâm thế nào, thời đại Hồ Chí Minh đánh Pháp, đánh Mỹ ra sao, đất nước thế nào, bằng thực tế để giáo dục con trẻ, chứ không chỉ thuần tuý lý thuyết. Lớp trẻ bây giờ rất thông minh, vào mạng rất nhanh. Vấn đề là ta cũng cần đưa thông tin lên mạng. Các thế lực thù địch đưa lên, tại sao ta lại không đưa lên để phản bác, đấu tranh. Phải chủ động đưa lên mạng những cái tốt của chế độ ta, xã hội ta, lãnh tụ ta để thấm vào từng người, tạo nên sự tin tưởng…

Như SEA Games vừa rồi, rất nhiều người mang ảnh Bác Hồ. Bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng vang lên khắp nơi. Hình tượng Bác Hồ thấm đẫm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Ai nói xấu Bác Hồ cũng không có người nghe. Nhiều nơi đang tổ chức cho học sinh tìm hiểu về Bác, rồi thi kể chuyện về Bác Hồ. Rồi phim ảnh, mỗi thứ một tí, nó sẽ giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lý tưởng, đề kháng với các quan điểm sai trái.

Ở SEA Games, hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Bác Hồ tràn ngập, để nói lên dân ta tin vào Đảng, tin Nhà nước, tin vào chế độ và dù có ai phê phán đi chăng nữa, thì cuộc sống đang tốt như thế, ai tin những luận điệu xuyên tạc nữa…

Xin cảm ơn ông!

Theo Trường Phong